Thứ Năm, 27 tháng 2, 2020

Thư của Soeur Yamagata (山形) gửi Yoshioka (吉岡)

私が棄てた女
遠藤周作



Một lần vào buổi sáng, trước lúc đi làm, tôi nhận được một bức thư. Trông thấy địa chỉ người gửi: “ Bệnh viện “Phục sinh” Ô-đem-ba”, tôi vội vã đem thư giấu vào túi.

Công việc ngày hôm qua đó rất nhiều, nhưng tôi luôn luôn nhớ đến bức thư. Buổi chiều, leo lên tầng thượng của ngôi nhà, tôi rút chiếc phong bì đã nhàu nát từ trong túi ra. Không phải thư của Mi-xu Mô-ri-ta. Trên phong bì là một dòng chữ rất đẹp ghi rõ tên người gửi: “I-a-ma-ga-ta ”.

Nội dung bức thư làm tôi hoàn toàn sửng sốt. Tôi sẽ không kể lại là tôi kinh ngạc như thế nào. Tôi chỉ nói một điều rằng, lần đầu tiên trong đời, tôi xúc động mạnh như vậy, đến nỗi, đọc đi đọc lại mấy lần mới hiểu được ý nghĩa, nội dung của bức thư.

--------------------------------

Xin lỗi anh vì thư trả lời tấm thiệp chúc mừng năm mới Mô-ri-ta Mi-xu mãi đến bây giờ tôi mới viết được. Tôi muốn nhanh chóng báo cho anh biết về Mit-chi- an (ở đây chúng tôi gọi cô ấy như vậy) , nhưng trong thời gian gần đây tôi quá bận, và thư viết ngắn chắc sẽ không làm cho anh thỏa mãn.

Qua tấm thiệp của anh, tôi hiểu rằng anh chưa biết gì về số phận của cô ấy kể từ ngày Mi-xu đến bệnh viện của chúng tôi. Qua kết quả của những lần kiểm tra phân tích máu lại, chúng tôi xác định rằng Mi-xu không có bệnh. Trường hợp chuẩn đoán sai bệnh cũng có gặp trong thực tế, nhưng rất hiếm, có khi chỉ một phần nghìn. Mi-xu gặp đúng trường hợp như vậy. Anh thử tưởng tượng xem cô ấy đã phải chịu đựng như thế nào. Nhưng sau khi về Tô-ki-ô, cô ấy ngay ngày hôm đó lại quay lại với chúng tôi, quay lại với cái thế giới khủng khiếp, bị mọi người khinh bỉ ruồng bỏ này và xin được làm việc ở đây.

Nói thật ra, lúc đó chúng tôi, những người thầy thuốc và hộ lý, không tin cô ấy. Chúng tôi cho rằng ý muốn đó chẳng qua là nhất thời, do tính đa cảm quá mức của Mit-chi-an mà thôi.

Bởi vì mục đích chính của chúng tôi là “mang đến cho mọi người cái thiện và tình yêu thương”. Còn Mi-xu, có thể không vì trách nhiệm, không vì lòng thương, không tự cưỡng bách mình, tự nguyện và kiên nhẫn hàng ngày, săn sóc những người bị bệnh hủi không?

Mặc dù cho rằng ý định của Mi-xu làm việc ở bệnh viện chỉ là nhất thời, chúng tôi cũng chấp nhận yêu cầu đó. Bệnh viện thường xuyên gặp những khó khăn về tài chính. Sự giúp đỡ của nhà nước và của những cá nhân từ thiện không đủ, và vì vậy lương của chúng tôi rất thấp, bệnh nhân không đủ người phục vụ.

Tuy việc thu dọn ở các phòng ở chỗ chúng tôi do những người bệnh nhẹ đảm nhiệm, nhưng các việc cấp dưỡng, phục vụ bệnh nhân trong giờ ăn, bán các loại hàng hoa quả nông nghiệp (chúng tôi có vườn trại riêng) và thêu thùa của người bệnh tất cả đều phải qua tay y tá hộ lý, nên Mi-xu đối với chúng tôi là một sự hỗ trợ đắc lực.

Có lẽ anh biết rằng Mi-xu thích những bài hát mới. Đến bây giờ tôi vẫn thấy cô ta, đầu bịt khăn choàng trắng mang thức ăn đi các bàn và hát “Những ngọn núi It-du”. Lúc đầu một số y tá ngoại quốc không thích như vậy, Vì Mi-xu hát to, lại toàn những bài tầm thường. Nhưng dần dần họ cũng quen đi và thôi không kêu ca nữa. Thậm chí đến tôi, một người đơn độc và đã quên những cảnh vui vẻ cũng thuộc những bài hát đó, và bây giờ đôi lúc, nếu như không ai nghe thấy, tôi lại hát một mình.

Ngoài hát ra, Mi-xu còn thích xem phim. Ở đây một tháng một lần người ta mang phim từ Ô-đem ba tới chiếu. Vào những ngày đó Mi-xu như thay đổi hẳn. Từ sáng cô đã rất vui vẻ, khó khăn lắm mới đợi được chiều đến. Ngồi trong phòng ăn – giờ biến thành rạp chiếu – cùng với bệnh nhân, Mi-xu thể hiện sự phấn khởi thích thú của mình to hơn tất cả mọi người. Nhưng không lần nào Mi-xu vào thành phố để xem phim cả.

Có lần tôi bảo cô ấy:

– Mit-chi-an, hôm nay chủ nhật, em có thể đi đến Ô-dem-ba để xem những bộ phim em ưa thích.

– Thế còn chị? – cô ấy lắc đầu.

– Chị không thể đi được. Chị là y tá và chị không thể đi lúc nào muốn được nhưng em tự do, em có thể đi vào thành phố lúc nào cũng được.

– Không, em cũng không thể đi được.

– Tại sao?


– Em sẽ phải xấu hổ. Em không thể bỏ người bệnh lại được.


Thỉnh thoảng tôi tự so sánh mình với Mi-xu, và dường như bây giờ tôi bắt đầu hiểu một câu trong kinh thánh: “hãy luôn là trẻ nhỏ”. Tôi không biết anh có tin chúa hay không, nhưng vị chúa mà tôi tin luôn luôn dạy chúng tôi phải mãi mãi là trẻ nhỏ. Điều đó có nghĩa là không che dấu những niềm vui của mình khi cảm thấy sung sướng, cứ khóc khi gặp bất hạnh và đối với mọi người phải trung thực chân thành. Mi-xu – một cô gái ngây thơ, giản dị, yêu thích bài hát tầm thường “những ngọn núi It-du” và dấu đầy phòng mình những bức chân dung của I-xi-ca-va, là người như thế.

私が棄てた女 (遠藤周作 - Xiu-xa-cu En-đo)
Đoàn Tử Huyến và Hoàng Thái dịch

Còn tiếp




------------------------------------------------------------

PS. Lạm bàn về tên của quyển sách: 私が棄てた女


Nếu bạn đang học Nhật ngữ, các bạn sẽ đọc sang romaji là: Watashi ga suteta onna.
Tôi chỉ dựa vào ba chữ kanji (hán tự) 私 棄 女 và dịch (lại) là: Người đàn bà mà tôi ruồng bỏ, quyển tiểu thuyết nổi tiếng của 遠藤周作 - Xiu-xa-cu En-đo do Đoàn Tử Huyến và Hoàng Thái dịch.

Cùng là chữ Hán 私 người nhật đọc là watashi, còn người  Việt đọc là "tư" (Riêng, cái gì không phải là của công đều gọi là tư. Như tư tài 私財  của riêng, tư sản 私產  cơ nghiệp riêng, v.v.).

Tương tự chữ 女 (on'na) , "nữ" (con gái).

Riêng  chữ 棄 , người  Việt đọc là "khí" (Quên, bỏ. Như nhân khí ngã thủ 人棄我取  người bỏ ta lấy (cũ người  mới ta), thóa khí nhất thiết 唾棄一切  vứt bỏ hết thẩy). Trong tiếng Việt và tiếng Trung một chữ khí 棄 là đủ, nhưng Nhật ngữ họ phải thêm tiếp vĩ ngữ てた và thành 棄てた mới ra tiếng Nhật "suteta". (tôi nghĩ vậy, không biết đúng hay không nữa vì tôi vốn không biết một từ tiếng Nhật nào).

Câu chuyện cảm động về Mi-xu Mô-ri-ta chuyển thành film, tên  tiếng Anh của film là "The Girl I Abandoned".


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét