Thứ Ba, 18 tháng 2, 2020

Đầu năm nói chuyện chữ nghĩa

Đầu năm trên FB của Thầy Đang Nguyễn (Hải Dương), thầy viết chữ ``Đức''.  Có một lần tôi đến nhà anh Nguyễn Kim Hồng, thấy anh có ai đó viết tặng chữ ``Đức''. Thế mới hay, chúng ta ai cũng thích chữ ``Đức'' này.



Dân gian thường nói "tu nhân tích đức" để tự răn mình không làm điều xấu và cũng chê trách các vị tham nhũng không học được điều sơ đẳng trong cuộc sống.

Sách Minh Tâm bảo giám của Trương Vĩnh Ký có trích:

Tích kim dĩ di tử tôn, tử tôn vị tất năng thủTích thư dĩ di tử tôn, tử tôn vị tất năng độcBất như tích âm đức ư minh minh chi trung dĩ vi tử tôn, trường cửu chi kế

Tích kim dĩ di tử tôn, tử tôn vị tất năng thủ. Để vàng bạc lại cho con cháu, con cháu chưa chắc giữ được. Điều này ta có thể học được từ các tỉ phú giàu nhất nhì thế giới như Bill Gate chẳng hạn.

Tích thư dĩ di tử tôn, tử tôn vị tất năng độc. Để sách vở lại cho con cháu, con cháu chưa chắc đã đọc.

Ngày xưa sách vở quý báu, hãy xem thầy trò Đường Tăng vượt muôn ngàn khó khăn gian khổ đi thỉnh kinh mới biết sách vở quí dường nào. Hồi đó để  dụ các nho sinh đọc sách, nên sách có câu:

Thư trung hữu nữ nhan như ngọc.

Trong sách có người con gái mặt đẹp như ngọc.

Vào ngày 8 tháng 6 ngày Sinh nhật, Hai anh em song sinh Giang Tiểu Ngư và Hoa Vô Khuyết ra đốt hoa đăng thả lên trời và khấn nguyện những điều mình ao ước.  Sau khi thả hoa đăng xong, vì hiếu kỳ, Hoa Vô Khuyết hỏi Giang Tiểu Ngư xem anh ước gì. Giang tiểu Ngư nói:

- Tôi ước gì sẽ lấy được một cô nương hiền lành, tốt bụng và dễ thương. Xem dến hết phim tôi mới phát hiện rằng hôm đó anh chàng này nói xạo. Nhưng dẫu thế tôi vẫn tin anh ấy vẫn luôn muốn thế.

Anh không nói gì về mặt đẹp như ngọc. Như thế, sách vở rất quí với nho sinh như yêu  quí một cô nương hiền lành, tốt bụng và dễ thương. Áy vậy mà người xưa nói, đừng nên để sách vở lại cho con cháu.

Vậy thì để lại cái gì? Tất nhiên tích âm đức ư minh minh chi trung dĩ vi tư tôn, trường cửu chi kế. Âm đức vì cái đức đó ta không thấy ở đâu (minh minh chi trung) nhưng con cháu sẽ lấy nó và nhờ nó mà làm kế sinh nhai trường cửu.

Ngày xưa cha ông chúng ta. học chữ tức là học chữ Hán (hay chữ nho). Vào thời kỳ nho học phồn thịnh, cha ông chúng ta vui học chữ, chứ không ai nghĩ rằng khổ học chữ.

Khi chúng ta tiếp xúc với môn toán lượng giác lớp tám, khi học về sin, cos các thầy cũng chế ra các cách để học sinh vui học. Ví du: sin=đ/h, cos=k/h thì các thầy vui đọc là "xin đi học, cứ khóc hoài :) ". Chữ nho cũng thế để học được các chữ nho này, các thầy đồ cũng chế ra các cách để dạy (cho vui). Như chữ Đức 德 thì chế thành " chích chích mà đậu cành tre, thập trên tứ dưới, nhất đè chữ tâm". Ai biết chút đỉnh chữ Hán sẽ hiểu câu vè khi ghép các từ đơn lại thành chữ Đức 德.

Có câu vè:

Cái vại có hai hòn đá kê
Cái xẻng, cái cuốc dựng kề một bên

Đố là chữ gì?  Ai giải được, xin trả lời bằng comment ở dưới.

Ngày nay ở vùng quê (sài gòn không còn đâu) trẻ con chơi oánh tù tì:

Oánh tù tì mày ra cái gì tao ra cái này.

Một trong cái được đưa ra và trừ khử lẫn nhau, đó là búa, kéo và bao.
Thế thì thời Hán học phồn thịnh đó, trẻ con đồng ấu cũng chơi như thế, nhưng đọc theo chữ nho:

Vu là chưng, bỏ ngang lưng chữ đinh là đứa, đứa nào, đứa này. Ai dính vào chữ "này" sẽ "bị".

chữ 于 (nếu không đọc được, xem hình)


Trước khi đậu trạng nguyên, Trần Minh đã đọc sách theo kiểu

Miệng đọc sách vang vang tay đập muỗi

khiến cho hiền phụ Quỳnh Nga phải ráng dệt cho rồi chiếc áo để kịp buổi lai kinh ứng thí. Và nhờ những điều anh đọc được trong sách đã giúp anh thoát được án bị chém đầu do bị khép vào tội khi quân.

Vàng bạc và sách vở quí như thế, nhưng đừng để vàng bạc và sách vở lại cho con cháu.

Hãy để cái đức lại cho chúng.
-------------------------


Trầm cảm dịp đầu năm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét